WEBSITE
Khoa Công nghệ Sinh học (CNSH) là khoa lớn thứ 2 của Trường Đại học Quốc tế, hiện có gần 1300 sinh viên bậc đại học và sau đại học thuộc 4 ngành: Công nghệ Sinh học, Công nghệ Thực phẩm, Quản lí Nguồn lợi Thủy sản và Hóa Sinh. Chương trình đào tạo của Khoa CNSH được xây dựng trên nền tảng của các chương trình tiên tiến có khả năng giải quyết các nhu cầu thực tiễn trong nước, tập trung vào việc trang bị kiến thức hiện đại, kỹ năng thực hành và làm việc cần thiết cho người học. Với mong muốn trở thành một trung tâm nghiên cứu đào tạo có uy tín trong khu vực, Khoa CNSH đang nỗ lực phát triển mối quan hệ chặt chẽ với các đại học uy tín tại Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Úc, Châu Âu và các doanh nghiệp lớn trong nước.
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
Mục tiêu: Đào tạo cử nhân/kỹ sư có đạo đức, trình độ chuyên môn cao và kiến thức quản lí tốt; có khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ mới, giải quyết các vấn đề nảy sinh của sản xuất; giỏi tiếng Anh và ứng dụng tốt công nghệ thông tin.
Bậc học
- Tiến sĩ: ngành Công nghệ Sinh học, thời gian đào tạo 3 – 5 năm theo các hướng CNSH Y dược, CNSH Nông nghiệp và CNSH Công nghiệp. Nghiên cứu sinh khi đã trúng tuyển có thể đăng ký tham gia chương trình bằng đôi của Trường Đại học Quốc tế hợp tác đào tạo với University of Swinburne (Australia).
- Thạc sĩ: ngành Công nghệ Sinh học theo phương thức nghiên cứu (2 năm) theo các hướng CNSH Phân tử, CNSH Nông nghiệp và CNSH Y sinh.
- Đại học:
+ Công nghệ Sinh học (tuyển sinh các khối B, A và A1)
+ Công nghệ Thực phẩm (tuyển sinh các khối A, A1 và B)
+ Quản lí Nguồn lợi Thủy sản (tuyển sinh các khối B, A, A1 và D1)
+ Hóa Sinh (tuyển sinh các khối B, A và A1)
Sinh viên có thể theo học chương trình 4 năm tại Trường ĐHQT hoặc chương trình 2 + 2 (2 năm đầu tại Trường ĐHQT, 2 năm sau tại đại học đối tác ở nước ngoài). Các sinh viên theo học chương trình liên kết 2 + 2 sẽ được đại học đối tác ở nước ngoài cấp bằng. Trường Đại học Quốc tế hiện đang liên kết đào tạo với Nottingham University (tại UK hoặc Malaysia), University of West of England (UK), University of Newcastle (Australia).
CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP
Kỹ sư tốt nghiệp có thể làm cán bộ kỹ thuật hoặc quản lí cho các đơn vị sản xuất, kiểm soát chất lượng, các cơ sở nghiên cứu hoặc đào tạo ở cả trong và ngoài nước. Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên môn của Khoa CNSH ở mức trên 80%. Mỗi năm Khoa CNSH có khoảng 10 – 15% sinh viên tốt nghiệp được các đại học hoặc viện nghiên cứu ở nước ngoài cấp học bổng để theo học bậc Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ.
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Khoa CNSH là đơn vị có tiềm lực nghiên cứu khoa học mạnh của Trường Đại học Quốc tế và của Đại học Quốc gia TPHCM. Liên tiếp trong những năm gần đây Tập thể Khoa CNSH được Đại học Quốc gia TPHCM vinh danh là đơn vị có thành tích nghiên cứu và công bố khoa học xuất sắc, thể hiện qua số lượng lớn các đề tài cấp quốc gia đặc biệt là các đề tài do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) tài trợ và chỉ số công bố khoa học quốc tế luôn được duy trì ở mức 1,48 – 2,24 bài báo quốc tế/cán bộ/năm. Ngoài các nghiên cứu khoa học cơ bản, hiện nay cùng với các đơn vị khác của Trường Đại học Quốc tế, Khoa CNSH đang nỗ lực phát triển các nghiên cứu ứng dụng, tạo sản phẩm thiết thực và hợp tác với doanh nghiệp ở TPHCM và các địa phương để chuyển giao công nghệ. Thành công này có được là nhờ nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học của Khoa bao gồm giảng viên, nghiên cứu viên và lực lượng nghiên cứu sinh, học viên Cao học và hệ thống phòng 16 thí nghiệm được đầu tư hiện đại, đồng bộ.
Về định hướng nghiên cứu, Khoa CNSH tập trung phát triển các hướng sau:
- Công nghệ Sinh học: nghiên cứu tái biệt hóa tế bào, nhân bản vô tính động vật, phương pháp chẩn đoán bệnh, thiết kế thuốc, chuyển đổi gene trên cây trồng, công nghệ vi sinh phục vụ công nghiệp, phát triển dược liệu từ sinh vật biển, chống bám bẩn sinh học trong môi trường biển.
- Công nghệ Thực phẩm: nghiên cứu công nghệ, giải pháp đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, cải thiện chất lượng, truy xuất nguồn gốc, phát triển sản phẩm mới, đặc biệt là thực phẩm chức năng.
- Quản lí Nguồn lợi Thủy sản: đánh giá tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, tái tạo các giống loài thủy sản quí hiếm, quan trắc và kiểm soát môi trường nước, phát triển công nghệ nuôi trồng thủy sản hiện đại, ứng dụng CNSH vào lĩnh vực thủy sản.
- Hóa sinh: nghiên cứu tạo nguồn dược liệu và phát triển thuốc mới, các ứng dụng của hóa sinh trong sản xuất dược liệu và hóa mỹ phẩm, xét nghiệm bệnh, cải thiện chế độ dinh dưỡng và làm sạch môi trường.
- Danh sách các bài báo nghiên cứu khoa học của Khoa Công nghệ Sinh học (đến tháng 8/2019)
- Danh sách các bài báo nghiên cứu khoa học của Khoa Công nghệ Sinh học (từ tháng 9/2019)
ĐỘI NGŨ CÁN BỘ
Khoa CNSH hiện có hơn 60 cán bộ cơ hữu là giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên và chuyên viên. Đội ngũ giảng viên cơ hữu của Khoa gồm 29 cán bộ, được đào tạo sau đại học tại các đại học có uy tín trên thế giới (tại Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Đức, Úc và Nhật Bản) gồm 26 Tiến sĩ (trong đó có 8 Phó Giáo sư) và 3 Thạc sĩ. Ngoài ra, Khoa CNSH còn được hỗ trợ thường xuyên bởi lực lượng giảng viên thỉnh giảng là cán bộ của ĐHQG TPHCM, các đại học trong và ngoài nước khác hoặc từ doanh nghiệp đối tác.
HỆ THỐNG PHÒNG THÍ NGHIỆM
Được sự quan tâm đầu tư của ĐHQG TPHCM, Trường Đại học Quốc tế và Bộ Tài chính, Khoa CNSH hiện có tổng cộng 16 PTN chuyên ngành và 01 PTN Trung tâm, phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của 4 lĩnh vực: Công nghệ Sinh học, Công nghệ Thực phẩm, Hóa Sinh và Quản lý Nguồn lợi Thủy sản. Tính liên thông giữa cao giữa các PTN cho phép cán bộ và sinh viên có điều kiện tốt nhất để giảng dạy, nghiên cứu và học tập. PTN Trung tâm của Khoa CNSH là nơi tập trung các thiết bị hiện đại, được sử dụng với tần suất cao, mở cửa 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày trong tuần phục vụ nghiên cứu chiều sâu của cán bộ và đội ngũ nghiên cứu sinh.
ĐỊA CHỈ LIÊN HỆ
Khoa Công nghệ Sinh học
Phòng O1 – 708
Điện thoại: (84 – 28) 37244270 – số máy lẻ 3233