NGƯỜI VIỆT LỌT TOP NHÀ KHOA HỌC ẢNH HƯỞNG NHẤT THẾ GIỚI

NGƯỜI VIỆT LỌT TOP NHÀ KHOA HỌC ẢNH HƯỞNG NHẤT THẾ GIỚI

(GDTĐ) – PGS.TS Phạm Văn Hùng (Trường ĐH Quốc tế – ĐHQGHCM) là 1 trong 28 nhà khoa học Việt Nam được vinh danh trong bảng xếp hạng Top 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới 2021.

Trưởng thành từ gian khó

Cuối tháng 10/2021, PGS.TS Phạm Văn Hùng (Trưởng phòng Quản lý khoa học, giảng viên Khoa Công nghệ Sinh học, IU) trở thành 1 trong 28  Việt Nam được vinh danh trong bảng xếp hạng Top 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2021. Theo bảng này, PGS.TS Phạm Văn Hùng giữ vị trí 37.520 trên bảng xếp hạng này. Đây cũng là năm thứ 2 ông được xuất hiện với thứ hạng tăng vượt bậc so với vị trí 85.932 vào năm 2020.

Bảng xếp hạng này do các Giáo sư Jeroen Baas, Kevin Boyack và John P.A. Ioannidis của Đại học Stanford (Hoa Kỳ) nghiên cứu và công bố trên tạp chí PLoS Biology. Theo đó, nhóm tác giả đã dùng cơ sở dữ liệu của Scopus từ 1960 đến tháng 8/2021 trong hơn 7 triệu nhà khoa học và lọc ra Top 100.000 người có ảnh hưởng nhất. Các nhà khoa học được phân chia vào 22 lĩnh vực khoa học và 176 lĩnh vực phụ (ngành/chuyên ngành).

Để thực hiện bảng xếp hạng này, nhóm nghiên cứu dựa trên các tiêu chí quan trọng như: Chỉ số ảnh hưởng trong giới khoa học (composite score); tổng số trích dẫn (không bao gồm các tự trích dẫn); chỉ số Hirsch h-index; chỉ số Schreiber hm-index; số trích dẫn cho các bài báo được đăng với tư cách là tác giả duy nhất (single author); số trích dẫn cho các bài báo là tác giả chính (tên đầu tiên – first author và tác giả liên hệ – corresponding author), và tác giả cuối cùng – last author…

Trao đổi về việc được lọt vào Top 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2021 của bảng xếp hạng này, PGS.TS Phạm Văn Hùng chia sẻ ông rất vui, vì những nghiên cứu của mình đã được các nhà khoa học trên thế giới đón nhận và chia sẻ, góp phần lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Là tác giả của hơn 90 bài báo khoa học trên các tạp chí thuộc danh mục ISI, tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế, PGS.TS Phạm Văn Hùng cũng là chủ nhân của giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018.

PGS.TS Phạm Văn Hùng có một tuổi thơ đầy gian khổ. Ông sinh năm 1974, trong một gia đình công chức nghèo tại xã ven biển Quảng Nham, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), nơi có đến 90% dân số sống bằng nghề chài lưới. Bố của ông làm cán bộ viên chức, mẹ là giáo viên tiểu học. Tuy hoàn cảnh khó khăn, nhưng bố mẹ ông luôn khuyến khích và động viên các con học hành chu đáo để sau này cuộc sống bớt cơ hàn hơn.

Chủ nhân của giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018 chia sẻ: “Chính nhờ sự động viên và tạo điều kiện tích cực từ bố mẹ mà việc học của tôi diễn ra thuận lợi hơn rất nhiều. Mặc dù học trường làng nhưng tôi đã tham gia nhiều kỳ thi học sinh giỏi Toán của huyện và đoạt giải Nhì cấp huyện vào năm lớp 8. Đồng thời, tôi được gọi vào học lớp chuyên Toán của tỉnh. Vì điều kiện không cho phép nên tôi đã ở lại để thi vào lớp 10 khóa đầu tiên của Trường THPT Quảng Xương 4 (là một trường cấp 3 mới thành lập của tỉnh Thanh Hóa). Sau đó được bố mẹ động viên, tôi đã cố gắng học và thi đỗ vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và gắn bó với ngành Công nghệ thực phẩm cho tới nay”.

Trải qua 5 năm học tập với nhiều khó khăn về vật chất nhưng nhờ sự động viên tích cực từ gia đình, ông đã tốt nghiệp ĐH với tấm bằng loại giỏi và là một trong 30 sinh viên (khóa 1993 – 1998) xuất sắc nhất của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Tốt nghiệp ĐH, ông được giữ lại trường và cũng từ đó mục tiêu đi học nước ngoài được hình thành. Sau đó, ông vừa học cao học, vừa đầu tư học tiếng Anh để có thể tìm cơ hội nhận học bổng du học. Bởi, thời học phổ thông, ông chưa được học ngoại ngữ nào. Năm 2001, ông bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ với thành tích xuất sắc và nhận được học bổng đi học Tiến sĩ tại Trường ĐH Osaka, Nhật Bản.

“Tôi đã quyết định chọn học trường của Nhật vì thấy ngoài việc trau dồi kiến thức chuyên môn thì cũng cần phải học tập văn hóa, phong tục tập quán và đặc biệt là cách làm việc của người Nhật”, PGS.TS Phạm Văn Hùng chia sẻ.

Nhận bằng Tiến sĩ tại xứ sở Phù Tang, ông đã tiếp tục tham gia các chương trình nghiên cứu sau Tiến sĩ tại Nhật và Canada, đồng thời xuất bản nhiều công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín. Mặc dù có nhiều cơ hội để ở lại nước ngoài, nhưng ông đã về nước với mong muốn được góp sức xây dựng quê hương. Năm 2009, ông về công tác tại Trường ĐH Quốc tế – ĐHQG TPHCM, sau đó làm Trưởng Bộ môn Công nghệ thực phẩm, rồi Trưởng phòng Quản lý khoa học IU và được phong Phó Giáo sư năm 2014.

Theo Giáo dục Thủ đô
//giaoducthudo.giaoducthoidai.vn/nguoi-viet-lot-top-nha-khoa-hoc-anh-huong-nhat-the-gioi-5652.html