NHÀ KHOA HỌC TRẺ ỨNG DỤNG TRÍ TUỆ NHÂN TẠO CHẨN ĐOÁN BỆNH ALZHEIMER

NHÀ KHOA HỌC TRẺ ỨNG DỤNG TRÍ TUỆ NHÂN TẠO CHẨN ĐOÁN BỆNH ALZHEIMER

Tiến sỹ Hương chia sẻ: Mỗi lần nhìn thấy ánh mắt sáng rực của các em sinh viên, thấy các em trưởng thành hơn hay khi biết tin bệnh nhân có tiến triển tốt thì tôi cảm thấy mọi thử thách đều xứng đáng.

Tiến sỹ Hà Thị Thanh Hương, Trưởng bộ môn Kỹ thuật mô và y học tái tạo, Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội vừa được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vinh danh là 1 trong 10 nhà khoa học trẻ xuất sắc nhận giải khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2023.

Phần mềm đặc biệt cho bệnh nhân Alzheimer

– Chào chị, chúc mừng chị đã trở thành một trong 10 nhà khoa học trẻ được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải Quả cầu vàng năm 2023 với phần mềm Brain Analytics. Cảm xúc của chị như thế nào khi nhận được tin này?

Tiến sỹ Hà Thị Thanh Hương: Khi nhận được tin đạt giải thưởng Quả Cầu Vàng, tôi vừa bất ngờ và vui mừng, vừa cảm thấy biết ơn. Cả tập thể Khoa Kỹ thuật Y sinh trường Đại học Quốc tế và các em sinh viên, học viên cao học do tôi hướng dẫn cũng rất hãnh diện, tự hào vì thành quả này không chỉ của riêng tôi mà còn là của cả tập thể.

Là người giảng viên dưới mái trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tôi giống như được đứng trên vai người khổng lồ, thừa hưởng vô vàn những thành tựu từ các thế hệ đi trước, từ cơ sở vật chất đầy đủ, tới những anh chị đồng nghiệp giỏi giang, nhiệt huyết, các sinh viên năng động và thích nghiên cứu khoa học.

Tôi cũng rất biết ơn cha mẹ, gia đình, các thầy cô đã truyền lửa, truyền kiến thức và dạy dỗ tôi từ khi dưới mái trường phổ thông, đại học, và nghiên cứu sinh sau này. Tôi biết ơn các doanh nghiệp, các quỹ hỗ trợ, các cộng sự tại các bệnh viện, trường đại học.

– Được biết phần mềm Brain Analytics giúp chẩn đoán bệnh Alzheimer tự động với độ chính xác lên đến 96%. Chị có thể chia sẻ về phần mềm này?

Tiến sỹ Hà Thị Thanh Hương: Alzheimer là một căn bệnh gây tử vong cao nhất ở người lớn tuổi. Trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam, hướng nghiên cứu về Alzheimer ngày càng trở nên cấp thiết. Brain Analytics là một phần mềm được nghiên cứu và phát triển việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích hình ảnh MRI sọ não người bệnh và chẩn đoán bệnh Alzheimer một cách chính xác, tự động, nhanh chóng, giảm xâm lấn, có khả năng áp dụng rộng rãi tại các tỉnh thành và giá thành phù hợp với thu nhập của người Việt. Ngoài ra, nhóm sử dụng công nghệ dữ liệu lớn và ứng dụng nền tảng web để hỗ trợ bác sỹ chẩn đoán từ xa và lưu trữ dữ liệu bệnh nhân.

Tiến sỹ Hà Thị Thanh Hương (đứng giữa) trao đổi cùng các cộng sự.

Phần mềm Brain Analytics giúp phân biệt người bệnh Alzheimer và người bình thường thông qua sự bất thường về cấu trúc não dựa trên ảnh chụp, được huấn luyện và kiểm tra trên cơ sở dữ liệu ADNI (Mỹ) với độ chính xác khoảng 96%. Phần mềm có thể đưa ra kết quả nhanh (trong vòng 7 giờ), giúp các bác sỹ tiết kiệm thời gian trong quá trình chẩn đoán.

Trong tương lai, để đảm bảo tính chính xác và phù hợp của mô hình khi được ứng dụng trên lâm sàng ở Việt Nam, mô hình trí tuệ nhân tạo của nhóm sẽ được kiểm tra và cải thiện trên cơ sở dữ liệu ảnh MRI não của người Việt Nam. Số lượng bệnh nhân Việt Nam dự kiến sẽ là 125 bệnh nhân Alzheimer và 125 bệnh nhân đối chứng từ 3 bệnh viện: Đại học Y dược, Bệnh viện 30/4 và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

Vượt khó vì sinh viên và người bệnh

– Vì sao chị lựa chọn nghiên cứu chuyên sâu về thần kinh học, đặc biệt là về bệnh Alzheimer? Đâu là những thuận lợi cũng như khó khăn trong việc nghiên cứu ở lĩnh vực này?

Tiến sỹ Hà Thị Thanh Hương: Tôi có người thân bị bệnh trầm cảm. Chứng kiến những nỗi đau đớn dày vò do căn bệnh này gây nên khiến tôi muốn nghiên cứu chuyên sâu về thần kinh học, đem các hiểu biết sinh học và kỹ thuật của mình đến với lĩnh vực này.

Hiện nay, nhóm nghiên cứu Brain Health Lab do tôi thành lập đang tập trung giải quyết những vấn đề liên quan tới sức khoẻ não bộ, nhất là các bài toán đặc trưng cho bối cảnh ở Việt Nam, điển hình như thiết kế các phương pháp can thiệp giúp hạn chế suy giảm nhận thức ở người lớn tuổi, hay để giảm stress.

Những ngày đầu xây dựng nhóm nghiên có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Nhưng có lẽ ấn tượng sâu sắc, và đáng tự hào nhất của nhóm chúng tôi là khi cô trò phải cùng nhau vượt qua mùa dịch COVID-19. Những ngày đó, chúng tôi đều không thể đến phòng thí nghiệm, phải làm việc online.

Tiến sỹ Hà Thị Thanh Hương chia sẻ về hành trình nghiên cứu khoa học.

Khi quanh chúng tôi và ngay cả trong gia đình có người thân mắc bệnh, hay bản thân bị mắc bệnh, chúng tôi vẫn kiên trì tiếp tục phân tích dữ liệu, viết bài báo, viết dự án mới, tranh thủ lên kế hoạch tương lai cho các em trong nhóm. Đi qua được những tháng cách ly xã hội đó, chúng tôi cảm thấy quý trọng hơn từng thời khắc bình thường được lên phòng thí nghiệm và thu dữ liệu.

Có nhiều khoảnh khắc tôi muốn bỏ cuộc vì nghề này quá khó. Công việc nghiên cứu khó về mặt kỹ thuật, nhiều lúc khó khăn về kinh tế và cũng có khi làm tôi nặng nề không biết phải giải quyết thế nào. Quan trọng là tôi có những người bạn, những người thân trong gia đình hiểu và luôn ủng hộ. Động lực giúp tôi vượt qua những khó khăn và vực dậy bản thân sau những lúc muốn bỏ cuộc chính là mong muốn thay đổi thực trạng chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam.

– Nhiều ý kiến cho rằng việc làm nghiên cứu khoa học đã khó, khó hơn nữa khi nhà nghiên cứu là nữ giới. Với trải nghiệm của bản thân mình, chị thấy như thế nào?

Tiến sỹ Hà Thị Thanh Hương: Có một số người hỏi tôi vì sao có thể theo đuổi nghiên cứu khi khó khăn muôn trùng như vậy? Thực sự đúng là nghiên cứu khó thật. Viết báo cũng “khoai”, xin quỹ tài trợ nghiên cứu cũng khó, tìm kiếm đối tác từ phía lâm sàng cũng rất vất vả.

Nhưng bù lại, mỗi lần nhìn thấy ánh mắt sáng rực của các em sinh viên, thấy các em trưởng thành hơn, theo đuổi được ước mơ du học của mình, hay khi hay tin có bệnh nhân dùng sản phẩm nghiên cứu của chúng tôi tại Bệnh viện Quân y 175 và có tiến triển tốt thì tôi cảm thấy mọi thử thách đều xứng đáng.

Dù có nhiều khó khăn nhưng Tiến sỹ Hà Thị Thanh Hương cho biết sự trưởng thành của các sinh viên và sự tiến triển của người bệnh là động lực giúp chị luôn nỗ lực mỗi ngày.

Lượng kiến thức lớn chưa bao giờ làm tôi nhụt chí. Tôi tự nhủ mỗi ngày đều phải học hỏi thêm từ đồng nghiệp, từ các em sinh viên, chỉ có như vậy mình mới tốt hơn được. Có lẽ những gì tôi đã làm chưa thay đổi ngay được bức tranh tổng thể về sức khỏe tâm thần ở Việt Nam, nhưng các đồng nghiệp của tôi, các bạn sinh viên khóa sau sẽ tiếp tục con đường này.

Phụ nữ ở thế kỷ 21 thực sự có rất nhiều lựa chọn về nghề nghiệp. Sẽ không còn nhiều người đánh giá bạn nếu bạn chọn làm cầu thủ bóng đá, hay luật sư, hay nghiên cứu khoa học, nhưng không có nghĩa là con đường bạn đi ít gian nan, ít thử thách.

Cộng đồng khoa học nữ ở Việt Nam có rất nhiều tấm gương sáng, tôi hy vọng sẽ có cơ hội học hỏi từ các chị nhiều hơn, và nếu được thì cùng bắt tay làm chung điều gì đó để giúp đỡ các nữ sinh yêu thích khoa học.

– Chị có thể chia sẻ về những mong muốn, dự định của mình trong tương lai?

Tiến sỹ Hà Thị Thanh Hương: Qua các nghiên cứu đang thực hiện, tôi mong muốn thay đổi cách xã hội hiểu về sức khỏe tâm thần để mọi người biết rằng tâm thần là bệnh lý chứ không phải do người bệnh muốn như vậy. Trong não của người bệnh thực sự có sự thay đổi về các phân tử, các chất hóa học khiến cho người bệnh thay đổi cách suy nghĩ, cư xử và hành động khác đi so với trước khi bị bệnh.

Tôi cũng mong muốn các dự án của mình đem lại những sản phẩm thiết thực để người bệnh có thể sử dụng để làm chậm sự tiến triển bệnh của họ. Bạn không thể đơn thuần gặp một người trầm cảm mà nói là bớt trầm cảm, bớt buồn bã đi hay gặp một bệnh nhân rối loạn lo âu và bảo họ bớt lo âu đi. Tương tự với việc bạn gặp một bệnh nhân Alzhemeir và nói họ hãy cố gắng nhớ, bởi vì họ thực sự không làm được như vậy.

– Xin trân trọng cảm ơn chị!

Link gốc tại đây: